Cá tính của không gian nhà ở cũng giống như tính cách của con người, nó luôn tồn tại dưới nhiều cung bậc khác nhau. Người Việt, với cái tôi lớn luôn chủ động tạo dấu ấn cá nhân trong ngôi nhà của mình. Dấu ấn này vừa hình thành và được đánh dấu trước hết bởi những giá trị tinh thần do chính người sử dụng mang lại. Nội thất luôn là cấp độ trung gian, nơi mà các giải pháp tạo nên cá tính cho không gian được hình thành phổ biến và dễ dàng nhất trong mối quan hệ Con người – Nội thất – Kiến trúc.
Một không gian ở có cá tính mạnh mẽ hay nhợt nhạt phụ thuộc chính vào tính cách của gia chủ và tài nghệ của người thiết kế. Khi các ngôi nhà Việt đều có dấu ấn riêng có bản sắc, không chỉ được xác định bằng sự xa hoa với tâm lý sính ngoại, lúc đó chúng ta có nhiều hơn cơ hội kiến tạo một phong cách cho chính mình – phong cách kiến trúc nội thất Việt Nam đương đại.
Nhà ở Việt Nam và cá tính của không gian
Khác với các thể loại công trình công cộng, nhà ở luôn tồn tại gia chủ, thường là một gia đình, sở hữu và thụ hưởng không gian đó trong trong một thời gian dài. Nhà ở là nơi con người dành phần lớn thời gian của cuộc đời để tái sản xuất sức lao động, sản sinh và nuôi dưỡng thế hệ tiếp nối, luôn làm người ta bộc lộ rõ và hết các tính cách của bản thân. Không có hai cá thể giống nhau nên cũng không có hai ngôi nhà hoàn toàn giống nhau.
Thực tế cho thấy, tại các khu đô thị mới hiện nay, mặc dù các nhà biệt thự hay căn hộ có cái vỏ buộc phải giống nhau thì bước vào không gian bên trong ta luôn thấy nó luôn mang lại những cảm xúc rất khác. Tính chất khác biệt, riêng có, còn gọi là cá tính của không gian ở, vì thế đã trở thành thuộc tính của loại không gian này.
Điều này càng dễ lý giải và có nhiều minh chứng hơn khi xem xét góc độ văn hóa ở của người Việt. Với quan điểm “nhà cao cửa rộng” người Việt luôn muốn nhà mình xây phải cao hơn hàng xóm. “Sống mỗi người một nhà” cho dù ngôi nhà có cấu trúc giống nhau chúng vẫn thường được cải tạo, bài trí cho khác nhau theo ý thích của chủ nhân, có tham khảo nhà hàng xóm rồi cũng cố làm cho khác biệt.
Những cấp độ thể hiện cá tính trong không gian nhà ở
Đối với nhiều thiết kế kiến trúc, nội thất nhà ở, việc tạo nên cá tính cho không gian đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, thiết kế luôn tốt và đúng đắn, gắn với đối tượng cụ thể là người ở, tự nó đã tạo ra sự khác biệt. Do đó, mục tiêu nêu trên không phải do người thiết kế, thậm chí là chủ nhà gượng ép tạo ra. Cá tính, cái tôi, cái riêng của không gian sẽ xuất hiện càng rõ ràng hơn trong quá trình thiết kế từ lúc đặt đầu bài, xây dựng ý tưởng cho tới khi hoàn thiện lựa chọn các thiết bị, vật liệu,… Việc “lên gân” hay các “chân dung” vẽ trước về sự độc đáo của ngôi nhà không phải cách tốt nhất để đạt kết quả, thậm chí nhiều khi nó làm lệch lạc tính trung thực và bản chất của một không gian ở. Chủ nhà và người thiết kế là hai nhân tố tạo ra và hoàn thiện cá tính cho không gian, khi hai đối tượng này càng có sự đồng cảm thì thành công càng lớn.
Trong mối quan hệ Con người – Nội thất – Kiến trúc nếu con người được xem là trung tâm, là yếu tố tinh thần thì nội thất là yếu tố vật chất kế cận. Với các thành phần mà con người luôn sử dụng tiếp xúc trực tiếp hàng ngày như bàn ghế, giường, tủ,… cho tới các bề mặt trần, tường, sàn thì nội thất là yếu tố trung gian kết nối con người với công trình. Nội thất là khâu hoàn thiện một ngôi nhà thành một tổ ấm. Với những yếu tố cấu thành khá linh hoạt và tùy biến thì nội thất là yếu tố vật chất góp phần trước hết tạo nên cá tính cho không gian. Nội thất cũng là yếu tố dễ dàng nhất kiến tạo hay thay đổi cảm xúc của một không gian.